jeudi 16 août 2018

Nguyễn Hùng - Nhà báo Bùi Tín và đứa học trò viết láo ở An Ninh Thế Giới



Nhà báo quá cố Bùi Tín.
Ngay sau khi Đại tá Bùi Tín qua đời tại Paris ở tuổi 91 hôm 11/8, nhiều người chia sẻ các dòng tin và bài viết về một cây bút tài ba, vốn luôn mong mỏi quê hương ông sớm thực sự đổi mới. Nhưng người ta cũng chia sẻ lại cả một bài viết từ cách đây vài năm của người tự nhận chỉ đáng là học trò của ông nhưng có cách viết xấc xược và ma giáo về bậc thầy trong nghề viết. 

Tôi cũng đã định cho qua như ông Bùi Tín, người có lẽ từng nghĩ ‘vật nhau với lợn làm gì, ta thì bẩn mà lợn thì lại sướng vì được vầy’. Nhưng lại nghĩ ông đã nằm xuống và từ nay mỗi khi người ta tìm tên ông trên google có thể sẽ lại thấy bài viết trên An Ninh Thế Giới nên tự thấy cần viết đôi dòng để tỏ lòng tôn kính với người đã khuất.

Bài viết với tựa ‘Bùi Tín, tuổi xế chiều ở Paris’ mở đầu với những câu:

“Tôi biết Bùi Tín từ những ngày Bùi Tín còn đương chức Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân phụ trách tờ Nhân Dân Chủ nhật. Thời đó, Bùi Tín đang nổi danh là một trong những cây viết có hạng của làng báo Việt Nam.

“Thông qua một người bạn, tôi đến gặp Bùi Tín và được Bùi Tín truyền cho một vài chiêu tác nghiệp. Tôi nhớ mãi bài học mà Bùi Tín hướng dẫn: “Đối với một nhà báo cách mạng, kiến thức thông tuệ và sự nhạy cảm là hai yếu tố đặc biệt quan trọng”.

Như vậy người viết tự nhận chỉ là đàn em của ông Bùi Tín nhưng cả bài viết là màn thể hiện của sự hằn học, cay độc và xảo trá. Giới an ninh Việt Nam vốn đã dùng từ “thây ma” để gọi ông Bùi Tín từ nhiều năm nay và hiển nhiên để được viết về ông trên báo chí chính thống người ta phải sỉ vả ông thậm tệ mới mong được đăng. 

Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu bài viết được đăng trên các blog của ngành an ninh hay bởi những người làm trong ngành an ninh mà không tự nhận mình là nhà báo. Nhưng tác giả, tạm gọi là bồi bút trong bài viết này, còn nói rõ từng là đại diện của một hãng tin của Việt Nam ở Paris.

Bồi bút dùng thủ thuật nhào một ít sự thật vào một đống những điều bịa đặt và khiến những người thiếu hiểu biết hoặc thiên kiến bị lừa, vì nghĩ rằng nếu trong đó có một hai điều đúng thì phần còn lại cũng đúng. Sự thật ở đây là quả thực ông Bùi Tín đã ở lại Paris sau một chuyến đi công cán với tư cách là Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân. Ngoài ra ông Bùi Tín thực sự đã cộng tác nhiều với các đài báo hải ngoại vốn bị chính quyền và những người thân chính quyền không ưa gì.

Vậy chỉ xin chỉ ra một vài điều khó có thể tin nổi trong bài báo để thấy những gì đáng tin là không nhiều.

Bồi bút nói tổng cộng đã gặp ông Bùi Tín bốn lần ở Paris, hai lần “tình cờ” trên phố và ga tàu, một lần ở triển lãm Mùa Xuân Việt Nam hồi đầu năm 2008 và thêm một lần nữa để từ biệt trước khi bồi bút về nước.

Mặc dù triển lãm Mùa Xuân Việt Nam là sự kiện được tổ chức công khai và ai cũng có thể tới dự từ 20/3 đến 20/5/2008 như bồi bút viết nhưng tác giả lại “bất bình” khi thấy bậc thầy trong nghề viết Bùi Tín có mặt. Bồi bút viết: “Tôi hỏi Thị trưởng Jean Tibveri [nguyên văn cách viết sai tên ông Tiberi]: “Thưa ngài, hình như phía Pháp có mời ông Bùi Tín đến dự cuộc triển lãm Mùa xuân Việt Nam?”. Thị trưởng Tiberi trả lời: “Không, phía Pháp không mời. Có thể thông qua quảng cáo, giới báo chí và công chúng biết nên tự do đến tham dự thôi”.

“Đại diện sứ quán ViệtNam nói ngay: “Ông Bùi Tín là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không chấp nhận sự có mặt của ông ta ở tất cả các hoạt động mang tính quốc gia giữa Pháp và Việt Nam”. Ngay lập tức, Thị trưởng Tiberi cho người đến mời Bùi Tín rút khỏi cuộc triển lãm. Nhìn Bùi Tín thất thểu ra về, tôi tiến đến: “Ông nên biết, nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự có mặt của ông ở những lễ hội như thế này”.

Có vài điều đáng nói về những gì bồi bút thuật lại ở đây. Thứ nhất cả Thị trưởng Paris khi đó cũng nói “công chúng biết nên tự do đến tham dự” có nghĩa là ai cũng có thể tới được. Nếu ai cũng có thể tới được thì ngay cả kẻ thù của nhân dân Pháp mà không bị tước quyền công dân và không có hành vi gây rối thì không ai có quyền mời họ ra. Bởi vậy chi tiết thị trưởng cho người đến mời ông Bùi Tín ra khỏi triển lãm là khó tin. 

Ngoài ra người ta cũng đặt câu hỏi ngoài tư cách nhà báo thì bồi bút còn có tư cách gì nữa, chẳng hạn nhân viên an ninh hay làm thêm cho đại sứ quán, khi hỏi thị trưởng về chuyện liệu ông Bùi Tín có được mời hay không. Rồi khi người cùng nghề cầm bút “thất thểu ra về” bồi bút còn bồi thêm câu cuối để chứng tỏ ông ta thay mặt nhân dân Việt Nam đuổi Đại tá Bùi Tín.

Chỉ qua cách tả hai lần gặp mặt đầu tiên đã thấy bồi bút ghét ông Bùi Tín lắm rồi. Lần đầu tình cờ gặp ở ga tàu đã xông vào mắng mỏ và lần hai thì đuổi người. Thế mà tới lần thứ ba khi lại “tình cờ” thấy ông Bùi Tín trên phố bồi bút không thay mặt nhân dân mà ngoảnh mặt đi mà lại “mời Bùi Tín vào quán cà phê” như một nhân viên an ninh muốn moi tin để rồi tiếp tục lên lớp. 

Cũng thật lạ là ông Bùi Tín dù đã bị đứa học trò mất nết đuổi khỏi triển lãm mà khi thấy được mời cà phê vẫn sẵn lòng nhận lời. Và mặc dù ghét ông Bùi Tín đến thế nhưng bồi bút vẫn “gọi điện mời Bùi Tín ăn bữa cơm chia tay” trước khi về nước để gặp lần thứ tư. Nếu Đại tá Bùi Tín sẵn sàng gặp bồi bút tới bốn lần thì chắc chắn ba lần gặp trước đó không thể như lời bồi bút kể. 

Đại tá là con của cụ Bùi Bằng Đoàn, vốn từng giữ chức Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá I chứ không phải là người kém hiểu biết mà bị chửi mắng tới ba lần vẫn đồng ý gặp thêm lần thứ tư. Không những thế khi được bồi bút hỏi có nhớ đất nước không trong lần gặp cuối, ông còn tâm sự:
“Có, mình nhớ nước lắm. Có đêm mình mơ được về nước. Sướng quá mình vất dép đi chân trần chạy dọc theo bờ Hồ, thỉnh thoảng dừng lại đưa tay với những rặng liễu đang rủ bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Có lần mình mơ được chạy mấy vòng quanh Hồ Tây lộng gió. Ôi những giấc mơ đó sao mà hạnh phúc…”

Đọc tới đây tôi lại nhớ tới cuộc gặp giữa sếp của Đại tá Bùi Tín, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara ở Hà Nội hồi năm 1995, khi ông McNamara cũng nói sáng ra ông chạy quanh khu vực bờ Hồ trước khi tới gặp Tướng Giáp. Chỉ 20 năm sau khi Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, người từng là kẻ thù không đội trời chung của Bắc Việt đã có dịp quay lại sau khi góp phần gây biết bao chết chóc và tàn phá. 

Nhưng những người Việt chỉ dùng ngòi bút và lời nói của mình để nói ra sự thật, trong đó có cả sự thật về Tướng Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại chịu sự kỳ thị của những người nhân danh nhân dân trong đó có bồi bút. Hy vọng những người tìm đọc về ông Bùi Tín sẽ coi bài viết của bồi bút như câu chuyện giả tưởng và xem những video phỏng vấn Bùi Tín, trong đó ông cũng nói:

“Người ta vẫn còn chửi tôi. Nhưng tôi luôn giữ một phong cách rất là triết lý để an ủi - Tôi không giận ai cả. Tôi xưa kia tôi cũng đã lên án Việt Nam Cộng hòa và bây giờ tôi cũng phải phản tỉnh là sai – đó là một chế độ tiến bộ hơn miền Bắc.

“Thống nhất ở Đức là anh tiến bộ thống nhất với anh [lạc hậu] nên cái anh tiến bộ bao trùm và nước Đức lên. Ở Việt Nam cái anh lạc hậu lại thắng anh tiến bộ, một chế độ hơn. Chế độ miền Nam rõ ràng là hơn chứ - có dân chủ, có nền tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, có luật sư, tòa án, không có tù nhân chính trị dễ dãi như miền Bắc… 

Tôi rất mừng là vẫn có những bọn trong nước nó thuê nó chửi tôi. Các bài báo tôi đều có những bài nó viết tiếp là bỏ đảng, phản đảng, phản dân tộc. Nhưng tôi nghĩ tôi không chú ý cái đó, mà tự trách mình là mình chưa đủ sức để làm cho họ hiểu thì mình phải làm cho họ hiểu, và với thời gian họ sẽ hiểu.”

NGUYỄN HÙNG (Bài đăng trên blog VOA ngày 13.08.2018)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.